Tin bão mới nhất: Bão Melor có thể gây mưa lớn ở Quảng Trị - Ninh Thuận
Theo tin tuc 24, cơn bão Melor có thể không đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng gây nguy hiểm đối với tàu thuyền trên biển
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Như vậy khoảng đêm nay (15/12), bão Melor sẽ vượt qua miền Trung Philippin và đi vào Biển Đông. Đến 19 giờ ngày 16/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 119,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 560km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 105 đến 135km một giờ), giật cấp 14-15.
Tin bão mới nhất cũng cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 14-15. Sóng biển cao 3-5m. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, hướng về phía quần đảo Trường Sa. Đến 19 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.
Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-10, giật cấp 11-12. Sóng biển cao 2-4m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Để đối phó với bão Melor, chiều 15/12, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, bão Melor sẽ suy giảm khi vào biển Đông, ít có khả năng đổ bộ vào đất liền phía Nam nước ta. Tuy nhiên, bão có khả năng gây nguy hiểm rất lớn cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, khi bão Melor vào biển Đông vẫn rất mạnh với sức gió cuối cấp 11, giật cấp 13-14. Dự báo, đến ngày 18/12, bão sẽ vào giữa quần đảo Trường Sa với sức gió còn ở mức cuối cấp 7 đến cấp 8 và nhiều khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, khả năng cao nhất là bão Melor không đổ bộ vào đất liền nước ta. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão Melor kết hợp gió mùa đông bắc sẽ gây đợt mưa từ 50mm-100mm ở Quảng Trị đến Ninh Thuận. Các tỉnh Nam Bộ có đợt mưa từ 20mm-50mm.
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Phòng chống thiên tai nhận định, do ảnh hưởng của bão Melor lớn nhất là trên biển nên vấn đề lo ngại là tàu thuyền đang hoạt động trên biển và quân dân trên các đảo ở Trường Sa sẽ gặp ảnh hưởng của bão. “Đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thông báo cho từng tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, tìm nơi trú tránh. Với các tàu hoạt động ở Trường Sa cần được hướng dẫn cụ thể vào các đảo có âu neo đậu như Song Tử Tây. Riêng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng phương tiện, lực lượng để cứu hộ, cứu nạn các tàu thuyền gặp sự cố khi di chuyển tránh bão”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Sau cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng tới Cà Mau cùng các bộ ngành liên quan triển khai các giải pháp phòng chống bão.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 15 giờ ngày 15-12, các lực lượng đã thông báo, hướng dẫn cho hơn 70.000 tàu thuyền cùng gần 400.000 người biết diễn biến của bão để đề phòng. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi 4 nước Philippine, Indonesi, Malaysia, Brunei đề nghị hỗ trợ, cứu hộ ngư dân Việt Nam khi vào trú tránh bão.Bộ Quốc phòng đã có điện gửi các đơn vị, quân khu sẵn sàng lực lượng, phương tiện. Các đơn vị đã triển khai 13.747 người (Bộ đội 13.747, Hàng hải 44), 730 phương tiện các loại của Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt sẵn sàng ứng phó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét